Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Tết Nguyên Đán sẽ đến. Như thường lệ, đây là dịp để các gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Con cháu ở xa tạm gác lại công việc để về nhà chúc Tết bố mẹ. Gia đình nhỏ tạm rời xa khói bụi thành phố, về quê ăn Tết cùng ông bà, anh chị em. Mặc dù càng ngày, sự phấn khởi của người dân Việt với Tết Nguyên Đán càng giảm. Tuy nhiên, đây vẫn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần người Việt Nam. Nhưng có những người thật sự không thích Tết. Bởi Tết làm họ đau đầu rất nhiều. Đó chính là những con người đi làm mưu sinh xa quê.
Người mưu sinh xa quê đau đầu vì Tết sắp về
Nhiều áp lực cận kề với những người mưu sinh xa nhà khi Tết lại sắp đến. Năm nay dư được bao nhiêu? Có lợp lại được mái nhà cho bố mẹ già không? Có mua được cho đứa con đang gửi ông bà nuôi một cái xe đạp hay không? Chưa kể việc tăng giá vé tàu, xe lên gấp 3, gấp 4. Con đường đầy những nổi lo về tài chính quả thực làm những người xa quê trằn trọc, trăn trở về dịp đoàn tụ dài hạn duy nhất trong năm của mình.
Chia sẻ của một số người con xa quê mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Phúc, quê Phú Yên đang làm việc tại Khu công nghiệp Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ, năm mới sắp đến nhưng với đồng lương ít ỏi chỉ đủ trang trải cuộc sống cùng hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị quyết định không về quê và ở lại kiếm việc làm thêm.
“Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng khi nhìn hàng xóm đang chuẩn bị sắm sửa quần áo cho gia đình và người thân, tôi lại cảm thấy chạnh lòng và tủi thân”, chị Phúc nói.
Với chị Thủy, quê Quảng Ngãi, đang làm việc tại Khu công nghiệp Bình Dương, do ảnh hưởng của Covid-19 nên năm nay chị không có thưởng, trong khi tiền lương chỉ đủ trả tiền học cho con, tiền phí sinh hoạt gia đình. Biết không về quê đón xuân sẽ buồn nhưng khi nghĩ đến việc lo tiền tàu xe, quà cáp tốn gần nửa tháng lương cũng khiến chị bận lòng.
Không chỉ riêng chị Phúc hay chị Thủy, mà còn nhiều người lao động xa quê cảm thấy lo lắng, áp lực mỗi khi năm mới đến. Có rất nhiều hoàn cảnh phải chi tiêu dè dặt từng bữa nên không dám nghĩ đến việc mua sắm gì cho năm mới.
Áp lực chung của công nhân trước Tết chủ yếu vẫn là chi phí. Anh Vinh (quê Thanh Hóa), công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình (TP HCM) cho biết năm nào anh cũng cố gắng chắt chiu để có thể tranh thủ về quê nhà. Tết đến gạt lo toan sang một bên. Anh về thăm vợ con ở quê là bao muộn phiền của anh đều tan biến hết.
Không thiếu gì hình ảnh người công nhân làm công ăn lương tính toán từng đồng để ăn Tết
Cũng cùng suy nghĩ với anh Vinh, chị Trang quê ở Nghệ An. Chị đang làm việc tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Hiện vẫn cố gắng xoay xở để năm mới được đoàn tụ với gia đình.
Chị gói ghém chi tiêu cuối năm để mua vé tàu xe. Chị tự tay làm mứt bánh đem về quê làm quà để đỡ thêm một khoản chi phí. May mắn năm nay công ty của chị có thêm khoản thưởng nho nhỏ. Thế nên nhẹ gánh phần nào, giờ đếm từng ngày để về quê.
Anh Vinh, chị Trang cho rằng chỉ cần biết tính toán, cân đo đong đếm những món quà, tiền mừng cho gia đình, tiền chi tiêu thì vẫn có cái Tết trọn vẹn, ấm áp.
Để được về bên gia đình dịp năm mới, một số người có khoản dự phòng tài chính trước vài tháng. Đó có thể là khoản tiết kiệm cả năm. Cũng có thể là khoản vay tiêu dùng từ các công ty tài chính. Những khoản tiền đó sẽ là giải pháp cho những trăn trở mang tên “Tết đến” của người lao động xa quê. Và giảm bớt nỗi lo và tạo điều kiện thuận lợi hơn để đón xuân bớt âu lo bên gia đình.
Trích dẫn từ vnexpress.net
Hồng Minh